Thăm dò ý kiến

Anh/chị quan tâm vấn đề nào nhất trong sinh hoạt khoa học lần tới ?

 Ca lâm sàng viêm gan B
 Ca lâm sàng viêm gan C
 Viêm gan B ở phụ nữ độ tuổi sinh sản
 Cập nhật điều trị viêm gan C
 Cập nhật điều trị viêm gan B
 Cập nhật chẩn đoán và điều trị U gan
 

Video

Thống kê

Quảng cáo

Box hình ảnh

  • Hội nghị 25-10-2020
  • Hội nghị 25-10-2020
  • Hội nghị khoa học 04-04-2021
  • HN 2023
  • HN 21-11-2021-01

Liên kết

Thắc mắc thường gặp về bệnh xơ gan

Cố vấn nội dung: PGS.TS. Bùi Hữu Hoàng

Xơ gan là gì?

Xơ gan là kết cục cuối cùng của các bệnh lý gan mãn tính. 

Khi gan bị bất kì một nguyên nhân nào làm hư hoại thì các tế bào gan sẽ bị chết đi và sau đó được thay thế bằng chất xơ. Từng đám tế bào gan còn lại sẽ tăng sinh để bù đắp cho phần gan đã bị "chết" và tạo nên các nốt tái sinh.

Khi gan bị hư hoại nặng và lâu ngày, các chất xơ được tạo ra ngày càng nhiều sẽ làm thay đổi hoàn toàn cấu trúc bình thường của gan và người ta gọi đó là xơ gan.

 

Nguyên nhân gây xơ gan ?

 

Xơ gan là kết cục của tổn thương gan trong một thời gian dài, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

  Do virus viêm gan B, C, D

  Do rượu

  Do bệnh lý tự miễn dịch (cơ thể tạo ra kháng thể chống lại chính các tế bào gan, gây tổn thương viêm gan lâu ngày dẫn tới xơ gan)

  Các bệnh lý rối loạn chuyển hóa: Bệnh Wilson (bệnh do tích lũy đồng trong cơ thể), bệnh Hemochromatosis (do tích lũy sắt), thiếu alpha 1- antitrypcin.

  Ứ máu ở gan kéo dài: Suy tim phải nặng kéo dài (bệnh lý gan-tim), hội chứng Budd-Chiari (tắc tĩnh mạch trên gan)

  Tình trạng tắc mật lâu ngày

  Do độc chất: Aflatoxin (là một tác nhân quan trọng, do một loại nấm tên gọi là Aspergillus flavus tạo ra, chất này thường bị nhiễm trong thức ăn, đặc biệt là ngũ cốc để lâu ngày. Vai trò của aflatoxin đối với gan ra sao thì hiện đang được quan tâm nghiên cứu, nhưng người ta cho rằng đây có thể là tác nhân gây xơ gan. ung thư gan.)

  Thuốc: một số loại thuốc dùng lâu ngày có thể dẫn tới xơ gan

  Một số bệnh lý di truyền hiếm gặp khác

  Tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu: quá trình xơ hóa diễn ra chậm chạp, thường phải sau 10-20 năm.

  Một số trường hợp xơ gan không xác định được nguyên nhân

 

Cần lưu ý rằng, người bị xơ gan có thể do một nguyên nhân, nhưng cũng có thể do nhiều nguyên nhân cùng phối hợp gây tổn thương gan.

 

Làm sao để biết mình bị xơ gan?

 

          Giai đoạn xơ gan "còn bù":

Quá trình xơ hóa gan có thể diễn ra "âm thầm" trong nhiều năm, thời kì đầu không biểu hiện triệu chứng gì.

Gan là một cơ quan có khả năng bù trừ rất tốt nghĩa là khi gan bị hư hoại thì các phần gan còn lại sẽ "gánh" thêm công việc của các phần gan bị hư, cho nên ít khi có biểu hiện tình trạng suy giảm chức năng gan trong giai đoạn đầu. Chính vì vậy, bệnh thường không có triệu chứng gì rõ rệt và người ta gọi đó là thời kì xơ gan còn bù tức là thời kì mà nhiệm vụ của gan vẫn được bù đắp nhờ phần gan bình thường còn lại.

  Bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy hơi mệt mỏi, không làm việc được lâu, hay chán ăn, buồn nôn và sợ một số thức ăn đặc biệt là những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Sau khi ăn thường có cảm giác đầy bụng, khó tiêu.

  Đôi khi bệnh nhân thấy đau tức vùng dưới sườn bên phải

  Trên da vùng ngực, lưng và cổ của bệnh nhân có những đốm đỏ hình giống như hoa thị mà danh từ y học gọi đó là "sao mạch".

  Lòng bàn tay có thể bị ửng đỏ, danh từ y học gọi là "lòng bàn tay son".

Việc phát hiện bệnh trong giai đoạn ban đầu này thường là tình cờ khi đi khám sức khỏe  định kì, khi làm xét nghiệm tổng quát về chức năng gan, hoặc tình cờ phát hiện qua siêu âm bụng.

 

Giai đoạn xơ gan "mất bù": 

Sau một thời gian nhiều tháng hoặc vài năm, bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn nặng hơn gọi là thời kì xơ gan mất bù tức là thời kì mà gan không còn đủ sức đảm đương nhiệm vụ của mình. Đó là lúc mà gan bị hư hoại nhiều quá nên bắt đầu bộc lộ sự suy giảm chức năng.

  Bệnh nhân thường đi khám bệnh vì thấy bụng ngày càng to ra do ứ nước trong bụng (còn gọi là "cổ trướng" hoặc "báng bụng"). Vùng mắt cá chân có thể bị sưng lên, đè vào thì hơi bị lõm.

  Lúc này, người bệnh hay than mệt mỏi, chán ăn, cảm giác bị suy nhược, sụt cân ...

  Bệnh nhân có thể bị vàng da và vàng mắt, dễ bị bầm ở những chỗ tiêm chích, chảy máu răng, chảy máu cam. Phụ nữ có thể bị rối loạn kinh nguyệt hoặc mất kinh, đàn ông có thể bị bất lực.

  Dưới bờ sườn bên phải có thể sờ thấy gan hơi cứng chắc và dưới bờ sườn bên trái có thể sờ thấy lá lách lớn.

  Bệnh nhân có thể có những rối loạn về tinh thần như mất khả năng tập trung (ngay cả khi làm những công việc rất yêu thích), cảm thấy dễ mệt nhưng lại ngủ không ngon. Nặng hơn nữa, bệnh nhân sẽ bị kích động, vật vã rồi dần dần bị hôn mê hoặc có thể ói ra máu rất nhiều và tử vong.

 

Một số hình ảnh minh họa triệu chứng của xơ gan

(Xin mời bấm nút phía dưới để xem)

Các xét nghiệm nào cần làm để đánh giá tình trạng xơ gan ? 

 

  Các xét nghiệm đánh giá chức năng gan: xét nghiệm máu giúp gợi ý chẩn đoán xơ gan và đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh

  Tìm kiếm nguyên nhân gây xơ gan: quan trọng nhất là xét nghiệm tầm soát siêu vi viêm gan B, C. 

  Siêu âm bụng: để xem tổng quát hình ảnh của gan, và quan trọng là giúp tầm soát phát hiện ung thư gan

  Siêu âm đàn hồi, Fibroscan, fibrotest: là những kĩ thuật không xâm lấn, không gây hại, giúp đánh giá "độ cứng" của gan, nghĩa là đánh giá mức độ xơ hóa của gan.

  Nếu bụng có nước, có thể phải chọc hút một ít dịch trong ổ bụng để làm xét nghiệm

  Nội soi thực quản-dạ dày để phát hiện các tĩnh mạch thực quản-dạ dày bị phình giãn do xơ gan gây ra. 

  Sinh thiết gan: Bác sĩ dùng một loại kim nhỏ đặc biệt (chuyên dùng cho sinh thiết gan) để chích qua da, vào gan và lấy ra một mảnh mô gan rất nhỏ, nhằm quan sát dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp đánh giá mức độ hư hoại và mức độ xơ hóa ở gan. Đôi khi, sinh thiết gan còn giúp xác định được nguyên nhân dẫn đến xơ gan.

 

Xơ gan có các biến chứng gì ?

 

Xơ gan có thể gây ra nhiều biến chứng nặng dẫn đến tử vong:

  Bụng có nước nhiều có thể nhiễm trùng dịch báng: Lúc đó, bệnh nhân có thể bị đau bụng, tiêu chảy, sốt. Đôi khi lại không có triệu chứng gì mà chỉ khi rút nước trong bụng đem đi xét nghiệm mới biết được có nhiễm trùng dịch báng.

  Ói ra máu do vỡ các tĩnh mạch thực quản hoặc tĩnh mạch ở phần đáy dạ dày khi các mạch máu này bị căng quá mức. Bệnh nhân thường bị nôn ra máu rất nhiều, có thể bị choáng váng do thiếu máu cấp tính và tụt huyết áp. Nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.

  Hôn mê do suy gan nặng. Biến chứng này xảy ra khi gan không còn đào thải được các độc chất và những chất này sẽ bị ứ lại trong máu, ngấm vào hệ thần kinh và làm rối loạn các hoạt động của não, nặng nhất là gây hôn mê sâu.

  Suy thận xảy ra trên nền xơ gan: trong y học gọi là "hội chứng gan-thận". Bệnh nhân đi tiểu ít dần rồi không đi tiểu được nữa. Có thể dẫn tới tử vong.

  Khi đã bị xơ gan do bất kì nguyên nhân nào thì nguy cơ bị ung thư gan rất cao. Muốn phát hiện sớm ung thư gan thì tất cả các bệnh nhân xơ gan cần được làm siêu âm và xét nghiệm tìm chất AFP trong máu mỗi 6 tháng, kết hợp siêu âm bụng. Chất AFP do tế bào ung thư gan tiết ra.

 

Điều trị xơ gan như thế nào ?

 

Muốn điều trị xơ gan, trước tiên là phải tìm được nguyên nhân. Điều này vô cùng quan trọng.

Như chúng ta đã biết, xơ gan có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Có nguyên nhân có thể điều trị hoặc ngăn ngừa được như: do rượu, do một số thuốc, kể cả viêm gan do siêu vi B, C. Có nguyên nhân thì hiện nay y học lại chưa thể điều trị được như các rối loạn bẩm sinh của cơ thể. Nếu điều trị được nguyên nhân thì có thể làm chậm lại hoặc chặn đứng quá trình tiến triển của bệnh.

Kết quả điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh. Phát hiện càng sớm thì điều trị càng hiệu quả, càng hạn chế được các biến chứng của xơ gan. Khi xơ gan mất bù, tiến triển bệnh thường nặng và có nhiều biến chứng, thường đáp ứng rất kém với điều trị.

 

Thế nào là "điều trị xơ gan theo nguyên nhân" ?

 

  Ngưng uống rượu hoàn toàn nếu là xơ gan do rượu và ngay cả xơ gan do nguyên nhân khác. Bỏ rượu bia hoàn toàn sẽ hạn chế bớt yếu tố gây tổn thương gan, nhờ đó làm chậm tiến trình xơ hóa gan.

  Nếu do nhiễm siêu vi B và xơ gan ở giai đoạn đầu thì việc sử dụng các thuốc kháng virus như Lamivudine, Adefovir, Entecavir, Tenofovir sau nhiều năm có thể giúp kiểm soát virus, làm chậm tiến trình xơ hóa gan, và thậm chí có thể giảm bớt mức độ xơ gan (đã có nhiều nghiên cứu với bằng chứng khoa học dựa trên kết quả sinh thiết gan). Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc như thế nào bắt buộc phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Gan.

  Nếu do nhiễm siêu vi C thì cần điều trị tiệt trừ virus viêm gan C. Hiện nay, việc điều trị viêm gan C chỉ sử dụng những thuốc uống (không cần dùng thuốc chích), điều trị ít tác dụng phụ, lại có tỉ lệ điều trị thành công rất cao >90% (như Sofosbuvir, Daclatasvir, thuốc phối hợp Sofosbuvir - Ledipasvir là những thuốc đã được chính thức lưu hành tại Việt Nam). Điều trị được cho những bệnh nhân viêm gan C bị xơ gan ở tất cả các giai đoạn.

  Nếu xơ gan do bệnh Wilson (tích lũy đồng) thì điều trị theo phác đồ dành riêng cho bệnh Wilson (D-penicillamin, kẽm, ...)

  Bệnh nhân xơ gan nặng có thể được tiến hành ghép gan. Tại Việt Nam, ghép gan đã được tiến hành cho bệnh nhân tại một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Quan trọng là tìm được nguồn gan cho (ghép một phần gan của người thân cho, hoặc ghép gan nhận từ bệnh nhân chết não hiến tặng).

 

Điều trị triệu chứng phù chân hoặc báng bụng như thế nào?

 

 Ăn lạt. Bệnh nhân cần hạn chế muối để giảm bớt lượng nước dư thừa (dư muối sẽ giữ nước trong cơ thể). Cách tư vấn cho bệnh nhân dễ áp dụng là: Không chấm thêm xì dầu, nước mắm, nước tương; đồ ăn được nấu riêng (không ăn chung với người nhà để có chế độ muối riêng) với lượng muối bằng 2/3 người bình thường.

 Thuốc lợi tiểu (theo chỉ định của bác sĩ)

 Truyền dung dịch Albumin khi lượng albumin trong máu giảm thấp (phải có chỉ định của bác sĩ)

 Có trường hợp bác sĩ phải dùng kim để chọc vào bụng rồi rút bớt nước ra (khi dịch bụng nhiều, dẫn tới căng tức bụng, thậm chí làm cho bệnh nhân khó thở) 

 

Phòng ngừa biến chứng ói ra máu như thế nào ?

 

 Để phòng ngừa biến chứng ói ra máu tăng áp lực trong các tĩnh mạch thực quản bị giãn, bệnh nhân cần dùng các thuốc làm giảm bớt áp lực máu đến các tĩnh mạch này (các thuốc Propranolol, Carvedilol, Isosorbide mononitrate (Imdur)) và thường phải dùng suốt đời.

 

Vì sao bệnh nhân xơ gan phải tránh táo bón ?

 

 Đây là một biện pháp quan trọng giúp hạn chế tình trạng rối loạn tri giác (bệnh não gan) nếu nặng thì có thể dẫn tới hôn mê (hôn mê gan).

 Thuốc thường dùng là Lactulose (Duphalac) có thể uống 1-2 thậm chí 3-4 gói/ngày.